TRUYỀN GIÁO

Đại giáo chủ Grê-gô-ri-ô lệnh cho các nhà truyền giáo người Anh: „Không được phá các đền thờ của dân ngoại, nhưng chỉ phá các thần thánh để trong đó mà thôi. Rồi chuẩn bị nước thánh, rẩy lên các đền thờ đó. Lập bàn thờ, rồi mang vật thánh của mình vào“. Và tiếp: „Khi chính dân đó không thấy đền thờ họ bị phá, họ sẽ vui lòng từ bỏ lầm lẫn mà trở về nhìn nhận và cầu nguyện Thiên Chúa chân thật“. Cái khôn của Ki-tô giáo là đó. Grê-gô-ri-ô viết: “Vì họ đã quen giết trâu bò tế lễ quỷ thần, mình nên lập ra những lễ hội khác cho họ tiếp tục tế“.

Do đâu cuộc truyền giáo đã thành công vượt bực, vượt qua mọi văn hoá và ngôn ngữ, như thế? Nhờ vào cách hiện diện khôn ngoan? Nhờ vào những phép lạ? Hay nhờ vào những mệnh lệnh và phương thức truyền giáo khôn khéo như của đại giáo chủ Grê-gô-ri-ô?

Tại sao cuộc truyền giáo đã quá thành công và đã bao trùm cả đế quốc nhanh như thế? Đó là một câu hỏi lớn. Vì nó mang tầm vóc quá lớn, nên ta đừng nên quá lạm trong câu trả lời. Dưới thời Constantinus*, Ki-tô giáo chỉ có vài phần trăm, dù được hoàng đế này coi đó là thành phần quyết định cho tương lai. Thành công nhờ đâu? Là vì tôn giáo của dân ngoại đã mệt mỏi, và không còn đáp ứng lòng tin cậy của con người. Nó chỉ còn là một cỗ xe chính trị, chẳng ai tin vào huyền thoại thần thánh nữa. Ở thôn quê, nó vẫn còn là một yếu tố thiết thân với đời sống với những cuộc rước xách, nhưng tại các thành phố, các thần thoại một cách nào đó đã trở thành trò cười cho thiên hạ. Các thần thoại có nhiệm vụ tạo ổn định cho Đế quốc (Rô-ma), nhưng khi người ta không còn tin nữa, thì đương nhiên vai trò ổn định đó không còn.

Vào giai đoạn sau của Đế quốc Rô-ma, người ta bắt đầu đặt câu hỏi về con người và thượng đế. Thời đó đã có những phong trào triết học đề cập tới một thiên chúa duy nhất, nhưng chúa đó là do con người nghĩ ra, không thể cầu khẩn gì được với vị đó. Giờ đây bỗng nhiên nổi lên một phong trào cũng rao giảng về một Chúa, nhưng Chúa này phát xuất từ nguồn gốc tôn giáo.

Ở đây phải thêm điểm này: Ngay từ cuối Cổ thời, trong khi đi tìm một đức tin phù hợp với lí trí, người ta bắt gặp một lôi cuốn đặc biệt nơi Do-thái giáo. Nhiều người coi tín ngưỡng độc thần đó là tôn giáo có thể nối kết với khoa minh triết Hi-lạp, là tôn giáo loan báo một thứ Chúa mà các triết gia hay các đầu óc khai hoá có thể hiểu được một cách nào đó. Vì thế lúc đó, nhiều nhóm người được gọi là dân kính sợ Chúa đã hình thành quanh các đền thờ do-thái, họ không thể trở thành dân Do-thái được, nhưng muốn bằng mọi cách liên kết với tôn giáo này được chừng nào hay chừng nấy. Từ đó các tập thể đó bắt đầu làm quen và thân thiết với Ki-tô giáo. Và vì đối với Do-thái giáo họ chỉ được làm cảm tình viên ở vòng ngoài mà thôi, nên dần dà họ trao hẳn niềm tin vào vị Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra và đi tới với con người qua Đức Ki-tô.

Bằng cách đó, có sự gặp nhau ở đây giữa một tôn giáo đã được thanh tẩy và có thể hiểu được bằng lí trí, với sức mạnh tín ngưỡng của một đức tin hoàn toàn không do con người nghĩ ra, nhưng được ban tặng và kinh nghiệm từ Thiên Chúa.